Hội quán Phước Kiến nằm ở địa chỉ 46 Trần Phú. Đây là hội quán lớn nhất và phong phú về kiến trúc – nghệ thuật, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại phố cổ Hội An.
Hội quán Phước Kiến trong buổi đầu là ngôi chùa lợp tranh có tên chùa Kim Sơn do người Việt ở Hội An dựng vào năm 1962 để thờ Phật. Qua năm tháng, ngôi chùa bị hư hỏng và người Việt không đủ điều kiện để sửa chữa, trong khi đó người Hoa buôn bán ở Hội An ngày càng giàu có. Những thương nhân Phước Kiến đã mua lại chùa Kim Sơn vào năm 1759. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa đổi tên thành Hội quán Phước Kiến. Trong đó, đối tượng thờ bao gồm cả những tượng phật cũ ở chùa Kim Sơn. Từ đó nơi đây trở thành nơi thờ thần, phật, tiền hiền và là nơi hội họp của cộng đồng người Phước Kiến.

Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam”, kéo dài từ đường Trần phú đến đường Phạm Chu Trinh theo trật tự: cổng (tam quan) – sân, hồ nước, cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính điện – sân sau và hậu điện.
Tam quan là hạng mục gồm 7 mái ngói ống men xanh uốn lượn xếp gối nhau. Bức tường ở hai bên tam quan ngăn cách sân ngoài với sân trong. Sân ngoài có hồ nước hình hoa mai năm cánh và tượng cá chép hóa rồng đang phun nước. Sau hồ là chiếc lư lớn màu đen với hình đầu kỳ lân được đắp nổi. Hai bên trước cửa tam quan là đôi tượng kỳ lân lớn đang quỳ. Trên cao dưới hai tầng mái tam quan có tấm biển trắng ghi 3 chữ Hán màu đỏ “Kim Sơn Tự”.

Dưới tầng mái thứ 3 có tấm biển bằng đá xám đề 4 chữ hán màu đỏ “Hội Quán Phước Kiến”. Sau tam quan là sân trong rộng rãi. Phía trước sân là bể nước và hòn non bộ, hai dãy chậu cây cảnh xếp thẳng hàng dẫn đến tiền điện.
Mặt ngoài tiền điện có gắn biển “Kim Sơn Tự” cũng bằng chữ Hán. Trong tiền điện có hai bức phù điêu lớn. Bên trái mô tả cảnh Thiên Hậu Thánh Mẫu đang cứu thuyền bị đắm trên biển. Bức bên phải mô tả 6 ông tướng cưới ngựa, lãnh đạo phong trào “bài Thanh, phục Minh”. Sau khi thất bại con cháu họ phải tị nạn lưu lạc sang đất Hội An. Bộ vì kèo tiền điện được cấu trúc theo kiểu “chồng rường, giả thủ”.
Sau tiền điện là sân trời được che bởi mái lợp ngói và một trần rộng được trang trí bằng hình vẽ những con chim phượng đang bay. Chạy dọc hai bên sân trời là nhà đông và nhà tây. Chính giữa tường nhà sau bàn thờ có đắp nổi hai chữ Hán lớn “Phúc” và “Thọ” được sơn màu đỏ.
Tiếp đến là chánh điện (chính điện) với những hàng cột màu đỏ son treo những đôi liễn gỗ ca tụng Thiên Hậu Thánh Mẫu, mái lợp ngói ống. Chánh điện thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đang ngồi thiền được đặt trong lồng kính, trước là lư hương lớn. Bên trái hương án là bức tượng thần Thiên Lý Nhãn (nhìn xa ngàn dặm), bên phải là bức tượng thần Thượng Phong Nhĩ (nghe xa ngàn dặm) được tạo tác bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng. Thiên Lý Nhãn và Thượng Phong Nhĩ là hai vị thần phụ tá cho Thiên Hậu phát hiện người bị nạn trên biển. Cuối chính điện thờ bà Thiên Hậu. Tượng trong tư thế ngồi nghiêm nghị, vẻ mặt đôn hậu. Bên trái là mô hình chiếc thuyền buồm có từ năm 1875.
Sau chánh điện là hậu điện. Trước có hồ nước nhỏ nuôi cá cảnh. Phủ xung quanh mặt hồ là con rồng lớn uốn khúc, trên đầu được ghép bởi những mảnh sứ men xanh và thủy tinh nhiều màu sắc rất cầu kỳ và sống động. Trên bức tường hậu của chánh điện đắp nổi một con lân đang đùa giỡn với con rồng trên hồ, tạo thành tác phẩm “vũ khúc long lân”. Chính giữa hậu điện thờ tượng sáu vị tướng nhà Minh người Phước Kiến. Hai bên thờ các vị thần quen thuộc của người Hoa. Bên trái là ban thờ 3 bà chúa Sanh Thai (Kim Hoa Nương Nương, Sanh Thai Nhị Chúa, Sanh Thai Thập Nhị Tiên Nương) và 12 bà mụ. Bên phải là ban thờ Thần Tài. Ngoài ra hậu điện còn thờ những người đã có công đóng góp tiền của để xây dựng Hội Quán và chùa Kim Sơn. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đông, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác.
Hội Quán Phước Kiến là di tích tôn giáo tín ngường, một trong số công trình tiêu biểu ở phố cổ Hội An mà du khách khi đặt chấn đến Quảng Nam không thể bỏ qua.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.